Trong thời gian gần đây, triều cường, nước dâng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân các xã ven biển. Huyện Ngọc Hiển với 3 mặt giáp biển, mặt còn lại giáp sông Cửa Lớn, nên địa hình của Huyện giống như một đảo. Trên “đảo” có tổng cộng 248 con sông, rạch tự nhiên, với 870 km chiều dài. Và theo qui hoạch, toàn bộ phần diện tích của “ốc đảo” này nằm ngoài đê Biển Đông.

Do địa bàn của “đảo” là một vùng đất trũng, thấp, hệ thống bờ bao chủ yếu được đào đắp thủ công, qui mô nhỏ; mặc dù hàng năm nhân dân đã cố gắng đắp thêm bờ bao, nhưng thời gian gần đây triều cường lại tiếp tục dâng cao, nên hầu hết không chống chọi được với triều cường. Chỉ riêng trong 2 đợt triều cường vừa qua đã tràn, bể bờ vuông của 892 hộ, tổng chiều dài bờ bao bị tràn khoản 35 km, diện tích thiệt hại lên đến 2.100 ha. Bên cạnh việc gây thiệt hại cho sản xuất, triều cường còn làm thiệt hại lớn đến các công trình giao thông bộ, cơ quan, trường học, trạm xá, nhà dân…sinh hoạt của người dân đã bị đảo lộn. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, nếu nước tiếp tục dâng thêm 05 cm nữa thì có thêm khoảng 1.300 km bờ bao trên địa bàn “đảo” có nguy cơ bị tràn. Và khi đó, sự tác động của triều cường là rất nghiêm trọng.

Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Quyết đinh 158 ngày 02/12/2008; Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 502, ngày 31/3/20110 phê duyệt Đề án xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2015; Huyện ủy Ngọc Hiển cũng đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 11/7/2011 về xây dựng giao thông nông thôn kết hợp với đê ngăn triều cường gắn với sắp xếp lại dân cư đến năm 2015; UBND huyện Ngọc Hiển ban hành quyết định số 2723 qui định về đầu tư xây dựng giao thông nông thôn… Tất cả các chương trình, đề án, nghị quyết, qui định nói trên đều được người dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài Dự án đầu tư đê Biển Đông, đê Biển Tây, Dự án trồng 5.000 ha rừng của Trung ương, tất cả các nguồn vốn có thể lồng ghép đầu tư cho đê ngăn triều cường kết hợp giao thông nông thôn mỗi năm, mỗi huyện chỉ được vài tỷ đồng, còn thiếu hụt rất xa so với nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Riêng “ốc đảo”, nhu cầu đầu tư hệ thống đê ven sông, kênh, rạch gần 1.900 km, với nguồn vốn đầu tư ước tính lên đến khoảng 730 tỷ đồng; năm 2011 đang triển khai thi công chỉ 13 tuyến nhưng chi phí đầu tư cũng lên đến 20,9 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Đề án 1.588 cây cầu giao thông nông thôn của tỉnh, “đảo” được đầu tư 121 cây, trong đó có 89 cây nằm ở các vị trí quy hoạch hệ thống đê ngăn triều cường gắn với giao thông nông thôn, đến nay chưa được xây dựng. Nghĩa là hiện nay “đảo” còn 89 cây cầu chưa có đường.

Trao đổi vấn đề khắc phục sự tác động của biến đổi khí hậu như đã đề cập ở trên, ông Lê Văn Sử, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngọc Hiển đề cập tại diễn đàn kỳ họp: để thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu kịp thời, có hiệu quả thì trước mắt, tỉnh cần quyết liệt kiến nghị với Trung ương phê duyệt danh mục, ghi vốn đầu tư các công trình đê ngăn triều cường cho các huyện ven biển, đạc biệt là huyện Ngọc Hiển. Trong khi chờ đợi Trung ương xem xét, tỉnh nên ưu tiên phân bổ các nguồn vốn có thể đầu tư cho đê ngăn triều cường hoặc tìm nguồn cho Huyện tạm ứng đầu tư cho mục tiêu này để trước mắt là đảm bảo sản xuất cho người dân.

Hoàng Hiền

Nhận xét

Bài liên quan